So Sánh Obama – Hillary
...chính sách của đảng Dân Chủ, chủ trương “hoà hợp hòa giải” tối đa với chính quyền CSVN...
Ứng viên đảng Dân Chủ hiện nay có hy vọng đắc cử bầu sơ bộ trong nội bộ là bà Hillary Clinton, cho dù đã có 4-5 ứng viên hay chuẩn ứng viên khác. Tất cả dường như chỉ đóng vai trò làm cảnh, tạo hứng thú chút đỉnh cho cuộc bầu bán bên đảng Dân Chủ mà kết quả cả thế giới đã biết. Không ai nghĩ bất cứ ứng viên nào có một mảy mai hy vọng hạ được bà vô địch Hillary. Sự kiện chẳng ai buồn tổ chức tranh luận trong đảng Dân Chủ cho tới tháng 10 hay 11 (cho có lệ) nói lên rõ ràng vị thế của bà Hillary.
Những tỳ vết trong các vụ lem nhem tiền bạc và email sẽ không có nhiều tác dụng ngăn cản bà. Những mánh mung của bà, cử tri Dân Chủ đã chấp nhận từ lâu rồi. Thời buổi truy tố Nixon là chuyện cách đây gần nửa thế kỷ. TT Nixon phải từ chức vì ngay cả các ông Cộng Hoà cũng công bằng chấp nhận Nixon có tội phải bị nghiêm trị. TT Clinton bị đàn hạch nhưng không phải từ chức vì tất cả các ông bà Dân Chủ đứng sau lưng Clinton, cho dù nhiều người xấu hổ vì hành động của TT Clinton. Chính trị Mỹ càng ngày càng bị tinh thần phe phái chi phối, phân hoá rõ nét giữa phe ta và phe địch, đưa đến tình trạng không chấp nhận những cái sai của phe ta và những cái đúng của phe địch. Bây giờ bất chấp bà Hillary phạm tội tầy trời cỡ nào thì đảng Dân Chủ cũng vẫn nhắm mắt ủng hộ bà. Chẳng những vậy, nhiều người sẽ còn tìm cách ca tụng bà, phục tính kiên trì, quyết tâm vào Nhà Trắng bằng mọi giá của bà.
Cụ Bernie Sanders đang lên như diều, với thăm dò mới nhất cho thấy ông này thắng bà Hillary tới 7 điểm tại tiểu bang then chốt New Hampshire, một chuyện khó tưởng tượng nổi. Nhưng ông Sanders lại là ứng viên cực tả, khó được hậu thuẫn ngoài vùng đông bắc Mỹ. Quan trọng hơn nữa, đảng Dân Chủ không có ai khác. Bất cứ ai trong mấy ứng viên còn lại đều sẽ bị Cộng Hòa nuốt chửng ngay. Bà Hillary là hy vọng duy nhất của đảng Dân Chủ.
Một điều miả mai đáng chú ý: đảng Dân Chủ tự cho là đảng của tương lai, nhưng hai ứng viên hàng đầu cũng là hai cụ ứng viên già nhất lịch sử Mỹ!
Bây giờ, ta hãy xem thử bà Hillary khác TT Obama chỗ nào để có thể mường tượng nếu bà Hillary đắc cử tổng thống luôn thì ta sẽ có một vị tổng thống như thế nào.
KINH NGHIỆM
Nếu nói về quá trình và kinh nghiệm thì hiển nhiên thượng nghị sĩ Obama khi ra tranh cử năm 2008 chỉ đủ đứng hầu quạt cho bà Hillary, tuy khả năng mồm mép của bà Hillary lại thuộc hạng học trò của Obama. Bà Hillary vừa đậu luật sư tại Yale xong đã lăn lộn trong chính trường Mỹ ngay lập tức khi bà tham gia vào nhóm luật sư của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện truy tố TT Nixon về xì-căng-đan Watergate, cuối cùng đưa đến việc TT Nixon phải từ chức. Đó là đầu thập niên 1970, cách đây hơn 40 năm.
Sau đó, bà trở thành Đệ Nhất Phu Nhân Arkansas, tích cực tiếp tay chồng, cho đến độ có thể nói là thực sự đã “tham chính” luôn. Sau vài nhiệm kỳ, thì ông thống đốc trẻ măng đầy tham vọng bắt đầu chạy đua vào Nhà Trắng, và trong bất ngờ của cả thế giới, ông... ngáp phải ruồi, đắc cử tổng thống.
Bà Hillary thành Đệ Nhất Phu Nhân cả nước, và đóng vai này trong 8 năm. Trong những năm đó, ai cũng biết bà là một “đồng tổng thống” chia sẻ quyền hành với ông chồng, tích cực tham gia việc “triều chính” một cách công khai, không có chuyện ngồi sau rèm như bà Từ Hy Thái Hậu.
Ngay từ đầu, bà đã được ông chồng trao cho trách nhiệm thực hiện cải tổ y tế, dự tính tung ra Hillarycare trong năm đầu của hai ông bà tân tổng thống. Bà thất bại, nhưng học được nhiều bài học về bảo hiểm y tế, và quan trọng hơn nữa, hiểu được những khó khăn làm việc với quốc hội, cho dù quốc hội do phe ta kiểm soát.
Sau khi mãn nhiệm kỳ chung, bà nhẩy ra làm thượng nghị sĩ, rồi sau đó tranh cử tổng thống luôn. Một lần nữa thất bại, nhưng bà lại học được thêm nhiều bài học đáng giá về chính trị Mỹ, trong khi vẫn còn là tiếng nói lớn trong chính trường. Lớn đến độ TT Obama, để tránh hậu hoạn phải đối phó với ứng viên Hillary năm 2012, đã dâng cho bà chức ngoại trưởng. Bà cũng nhìn thấy ngay đây là bàn đạp tốt nhất để duy trì tiếng nói cụ thể hơn việc nói bá láp suốt ngày ở Thượng Viện cùng với 99 ông bà đồng nghiệp. Đây cũng là cơ hội mang tên tuổi ra cho cả thế giới biết.
Khi ra tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ Obama có vỏn vẹn 2 năm kinh nghiệm tại Thượng Viện, vẫn còn bận đi xem phòng nào ở đâu, và bắt tay làm quen với các đồng nghiệp, chưa kịp làm gì khác. Trước đó ông đã làm nghị sĩ tại quốc hội tiểu bang Illinois được hơn 6 năm, nổi tiếng ở điểm chuyên môn biểu quyết “có mặt” cho đỡ nhức đầu. Trước khi có dịp biểu quyết “có mặt”, ông Obama chỉ là một anh tổ chức cộng đồng. Thực tế mà nói, cái kinh nghiệm này chỉ đáng cho ông Obama ra tranh cử... hội đồng tỉnh Riverside. Nhưng dĩ nhiên, nhờ tài mồm mép hơn người, và nói cho ngay cũng nhờ màu da, ông đã được công kênh vào Nhà Trắng.
Sau lần thử lửa với ông “nói nhiều làm ít”, thiên hạ bây giờ lạnh cẳng và muốn trở về với người có kinh nghiệm. Và với kinh nghiệm nhiều như vậy, người ta có thể tin bà tổng thống Hillary sẽ gặp ít khủng hoảng, ít thất bại hơn TT Obama.
THÀNH QUẢ
Nói cho ngắn gọn cả bà Hillary lẫn ông Obama đều chẳng có thành quả gì ghê gớm để trình làng hết.
Trong thời gian 8 năm bà Hillary làm nghị sĩ, đã không có một luật nào ra đời mang tên của bà hết. Biểu quyết đáng ghi nhớ nhất của bà là chấp nhận cho TT Bush đánh Afghanistan, rồi sau đó đánh Iraq. Quyết định về Iraq đã là một vết đen lớn của bà trong mắt các cử tri cấp tiến của đảng Dân Chủ, mà cho đến bây giờ, bà vẫn loay hoay biện minh.
Rồi bà qua làm ngoại trưởng. Cho đến nay, đố ai nêu ra được một thành quả cụ thể nào. Bà khoe đã bay hơn một triệu dặm, chỉ khiến bà Carly Fiorina, ứng viên TT Cộng Hoà nhắc nhở bay nhiều không phải là một thành quả mà chỉ là một hoạt động. Thành quả đối ngoại, trong thời bà trách nhiệm, thật ra là một chuỗi thắng lợi của... những đối thủ của Mỹ: từ Putin chiếm Crimea, tới Trung Cộng lộng hành Biển Đông, ISIS chiếm nửa Iraq và Syria, Libya đại loạn hơn Somalia, Syria giết hơn 200.000 dân, cậu Ấm Ủn tiếp tục khai triển hoả tiễn nguyên tử, Iran vẫn bình chân như vại, đồng minh bực mình vì bị nghe lén, … Như vậy thành quả của chính sách đối ngoại của bà Hillary là gì?
Tám năm thượng nghị sĩ là tám năm làm quen, thiết lập “quan hệ” với các chính khách Mỹ. Tám năm ngoại trưởng là tám năm làm quen, thiết lập “quan hệ” với các chính khách quốc tế. Cả cuộc đời chính trị của bà Hillary cho đến nay chỉ là xây dựng nền tảng “quan hệ” cho cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ
Năm 2008, ứng viên Obama chỉ trích kế hoạch bảo hiểm y tế của ứng viên Hillary là thiên tả cực đoan khi bà Hillary chủ trương tất cả những ai không mua bảo hiểm sẽ bị phạt. Ông Obama cho là quá cực đoan, và kêu gọi bảo hiểm y tế chỉ bắt buộc cho trẻ em thôi. Hiển nhiên bà Hillary khi đó thiên tả hơn ông Obama.
Cũng khi đó, ông Obama kịch liệt chỉ trích bà Hillary đã biểu quyết cho TT Bush đánh Iraq. Rõ ràng là bà Hillary bảo thủ hơn ông Obama.
Thế thì tóm lại ai cấp tiến hay bảo thủ hơn ai?
Muốn biết rõ, ta cần gạt qua những cú đánh võ miệng trong cuộc tranh cử, mà phải nhìn vào thực tế. Qua mấy năm cầm quyền của TT Obama và mấy năm làm ngoại trưởng của bà Hillary, người ta có thể thấy ông Obama rõ ràng là thiên tả hơn.
Về y tế, ông Obama chỉ trích bà Hillary thiên tả, nhưng thật ra chỉ là cái mánh tranh cử vì sau đó ông đã mang tất cả những ý kiến của bà Hillary vào Obamacare. Ông Obama cũng là người đi trước bà Hillary trong những vấn đề như cổ võ hôn nhân đồng tính, ân xá trọn vẹn di dân lậu, ban phát trợ cấp đủ loại, đánh thuế tối đa những “nhà giàu”. Đây cũng là những quan điểm của bà Hillary, nhưng trong tất cả mọi vấn đề, bà đều lên tiếng sau TT Obama. Một phần có lẽ vì “tôn ti trật tự” để tổng thống nói trước, một phần vì bà không dám hung hăng đi quá xa quá sớm. Bà Hillary là người thận trọng hơn bất cứ chính khách nào, đặc biệt là so với ông chồng vô trật tự, vô kỷ luật.
Thời gian gần đây, để chống đỡ những tấn công của ông già Bernie Sanders, bà Hillary đã ngả mạnh về phiá tả, nhưng tinh mắt một chút thì thấy ngay đây chỉ là trò thời cơ lấy phiếu thôi. Trên căn bản, bà Hillary gần với ông chồng hơn, tức là ôn hòa, không cấp tiến quá mức như TT Obama. Dù vậy, bà cũng vẫn không phải là người hùng tranh đấu cho giới trung lưu như bà đang hứa đâu.
Trong vấn đề quốc phòng, an ninh, bà Hillary đã chứng tỏ rõ ràng diều hâu hơn TT Obama rất nhiều. Trong hồi ký của bà, bà đã thẳng tay chỉ trích TT Obama yếu đuối, lửng lơ cá vàng vì không biết phải làm gì tại Iraq cũng như tại Syria. Bà Hillary cũng gián tiếp đổ trách nhiệm ISIS bành trướng lên đầu TT Obama vì cái bệnh yếu đuối, gãi đầu gãi tai, không dám có hành động dứt khoát. Bà diều hâu hơn vì hai lý do. Thứ nhất là bản tính bà cứng rắn hơn ông Nobel Hoà Bình vừa đánh vừa run. Thứ nhì, bà bị mặc cảm là phụ nữ, sợ bị thiên hạ có thành kiến cho là yếu đuối, nên sẽ cố gắng phá bỏ thành kiến đó bằng thái độ cứng rắn hơn. Do đó, ta có thể mường tượng một người lãnh đạo cứng rắn, có bản lãnh hơn xa ông tổ chức cộng đồng, xa hơn cả ông chồng chỉ lo chạy theo mấy em... chân ngắn ngực nở.
CHÍNH SÁCH TRỊ QUỐC
Bà Hillary sẽ không tiếp tục chính sách của Obama, ít nhất là trên phương diện đối ngoại.
Trong chính sách đối nội, bà Hillary là một chính khách thính mũi và thời cơ, đã nhìn thấy khuynh hướng cấp tiến mỵ dân đang trong thế thời thượng nên sẽ đi xa hơn TT Obama ít nhất là trong nhiệm kỳ đầu, để bảo đảm việc tái đắc cử năm 2020.
Bà Hillary chắc chắn sẽ có dịp bổ nhiệm một hay hai thẩm phán TCPV. Bà sẽ lựa người theo khuynh hướng cấp tiến và TCPV sẽ chuyển hướng mạnh hơn nữa qua phiá cấp tiến. Đây là một vấn đề ít người để ý, nhưng vai trò của tổng thống hết sức quan trọng vì tổng thống là người bổ nhiệm thẩm phán TCPV, và những vị này có thể thay đổi hướng đi của cả xã hội về lâu về dài. Biết đâu bà Hillary sẽ bổ nhiệm cựu TT Obama vào TCPV?
Obamacare thực sự đã lấy ý kiến từ Hillarycare. Do đó, bà Hillary sẽ xúc tiến mạnh việc áp đặt Obamacare.
Trong vấn đề lao động, bà Hillary sẽ chủ trương đẩy mạnh việc tăng lương tối thiểu lên 15 đô để lấy điểm với cử tri lao động cũng như để được nghiệp đoàn ủng hộ. Bà Hillary rất chú ý đến các nghiệp đoàn, do đó đã công khai chống lại TT Obama trong vụ TPP (hiệp ước thương mại liên Thái Bình Dương) để đứng về phiá các nghiệp đoàn.
Bà cũng sẽ tiếp tục “cuộc chiến” đòi tăng thuế mấy ông nhà giàu, sẽ tiếp tục sỉ vả nhà giàu, bài bác tài phiệt Wall Street nhưng sẵn sàng nhận bạc triệu yểm trợ của họ. Cá nhân bà và cả ông chồng sẽ “từ chức” khỏi Quỹ Clinton Foundation, không dính dáng đến các hoạt động gây quỹ hay chi tiêu của quỹ, nhưng ai cũng hiểu thực tế như thế nào. Dù sao thì ông chồng cũng phải kéo thắng tay, bớt đi đọc diễn văn lãnh cả trăm triệu.
Nhưng rồi cũng vẫn còn nhiều vấn đề mà bà Hillary khó làm được gì nên chuyện. Chẳng hạn như mâu thuẫn trắng đen, hay vấn đề kiểm soát súng đạn, di dân lậu. Đây là những khúc xương lớn của Mỹ mà tất cả các tổng thống, bất kể Dân Chủ hay Cộng Hoà, đều mắc nghẹn mà không có được giải pháp gì.
Trong chính sách đối ngoại, bà Hillary sẽ đối phó một cách mạnh tay hơn những ý đồ bành trướng của Putin, Tập Cận Bình, ISIS và khủng bố nói chung, Syria, và ngay cả Bắc Hàn. Có thể đoán chừng bà Hillary sẽ mạnh miệng hơn với TC trong việc bênh vực các quốc gia vùng Biển Đông.
Nghe có vẻ chéo cẳng ngỗng, nhưng tóm lại, so với TT Obama, đối nội bà sẽ thiên tả hơn trong khi đối ngoại bà sẽ thiên hữu hơn.
Nói chung, trên nhiều khiá cạnh, bà sẽ là một người lãnh đạo hữu hiệu, ít sai lầm hơn TT Obama nhiều. Cử tri Dân Chủ đã làm một sai lầm lớn khi lựa Obama thay vì lựa bà Hillary năm 2008. Qua năm 2012, cử tri lại một lần nữa bầu cho TT Obama, chẳng qua vì bản tính con người, ít khi chịu nhìn nhận sai lầm, đã phóng lao bầu cho Obama năm 2008 thì bây giờ phải theo lao bầu nữa thôi. Đưa nước Mỹ đến tình trạng khá bết bát hiện nay.
TÍNH TÌNH CÁ NHÂN
Ở đây, sự khác biệt giữa hai người khá rõ nét. Dù đồng quan điểm hay không với TT Obama, thiên hạ cũng phải nhìn nhận ông không mánh mung, lươn lẹo như bà Hillary. Có thể ông là người đến từ bãi chính trường Chicago nên cũng ma đầu không thua ai, nhưng dù sao, ông cũng khéo léo hơn, không trắng trợn như bà Hillary. TT Obama không nói dối quanh, thẳng tay kiếm tiền thô bạo trong khi miệng vẫn than “gần phá sản”, “tranh đấu cho dân nghèo”. Qua những nói dối quanh liên quan đến emails và quỹ Clinton Foundation, ta thấy bà Hillary mánh mung, dối trá hơn TT Obama nhiều. Bà cũng giả dối mỵ dân hạng nặng khi một mặt thì hô hào giúp sinh viên, bỏ học phí đại học, một mặt thì chém các đại học hơn hai triệu đô tiền đọc vài bài diễn văn.
TT Obama là vua hứa cuội, hứa một trăm việc không làm được hai, nhưng dù sao thì hứa cuội cũng là mô thức hoạt động chung của tất cả chính trị gia, khác với “nói láo bẩm sinh” của bà Hillary.
Việc bà Hillary sẵn sàng chấp nhận những lem nhem thật xấu hổ của ông chồng chỉ vì bằng mọi giá muốn vào Tòa Bạch Ốc chứng tỏ bản lãnh cao của một người đầy tham vọng. Ông Obama hiển nhiên cũng rất nhiều tham vọng, nhưng ông chưa làm gì quá đáng đến mức của bà Hillary. TT Obama cũng chứng tỏ là một người chồng và cha gương mẫu, trong khi bà Hillary hiển nhiên là người mẹ gương mẫu nhưng đã đóng vai trò người vợ một cách...đáng thắc mắc. Trong khi ông chồng lem nhem lung tung thì thay vì trách chồng, lại ủng hộ chồng, cho chồng là nạn nhân đáng thương của mấy cô gái háo danh và quay qua sỉ vả họ, nhưng lại vẫn tự vỗ ngực là tiếng nói bảo vệ nữ quyền.
Nếu muốn so sánh trên toàn diện, ta có thể nói bà Hillary gần với TT Nixon, trong khi TT Obama gần với TT Carter hơn.
VIỆT NAM
Chính sách mở cửa, thân thiện tối đa với CSVN của TT Obama sẽ được thúc đẩy mạnh hơn với bà Hillary nếu bà đắc cử tổng thống. TT Clinton có thể nói là tổng thống Mỹ thân thiện với CSVN nhất và bù lại, được CSVN hoan nghênh nhất. Ông đã đi thăm VN 5 lần.
Chính sách thân thiện này sẽ không giúp cải tiến dân chủ hay nhân quyền tại VN nói chung, mà chỉ giúp cứu được một vài cá nhân chống đối CS quá nổi tiếng như bà Trần Khải Thanh Thủy hay ông Điếu Cầy thôi. Cho những người này qua Mỹ có lợi cho cả... ba bên. Ông Điếu Cầy được tự do, Mỹ được tiếng tranh đấu cho nhân quyền tại VN, CSVN bớt được một người chống đối ồn ào để rồi họ qua Mỹ vài ba tháng sau là đi vào quên lãng. Hiệu quả hơn là bắt nhốt họ để họ biến thành những người hùng được cả thế giới nhắc nhở.
Chính sách thân thiện với CSVN phục vụ quyền lợi cũng như chiến lược Á Châu của Mỹ. Tuy nhiên chính sách này đã và sẽ tiếp tục khiến cho những dân tỵ nạn đang ủng hộ đảng Dân Chủ bối rối không ít, loay hoay tìm cách biện giải. Họ sẽ tiếp tục trực diện một mâu thuẫn lớn, một mặt là chính sách của đảng Dân Chủ, chủ trương “hoà hợp hòa giải” tối đa với chính quyền CSVN sau khi đã bức tử VNCH và chống việc nhận dân tỵ nạn, và mặt khác là với tư cách một người tỵ nạn, làm sao ủng hộ chính sách thân thiện, HHHG tối đa với CSVN được?
Dù sao đi nữa thì cho dù bà Hillary hay bất cứ ông hay bà Cộng Hòa nào làm tổng thống thì dân tỵ nạn cũng đừng nên hy vọng gì nhiều. Tổng thống Mỹ phục vụ quyền lợi nước Mỹ và dân Mỹ, không phục vụ quyền lợi dân tỵ nạn VN. Đối với họ, khối dân tỵ nạn Việt chỉ là một nhóm cử tri Mỹ rất ư là nhỏ, chẳng có tiếng nói gì trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong khi CSVN với gần 100 triệu dân nằm sát nách Trung Cộng, là một con chốt đáng kể trong thế cờ chiến lược của họ. (28-06-15)
Vũ Linh
Cấp Tiến – Bảo Thủ
...khó nói có ai đồng ý 100% với bảo thủ hay 100% với cấp tiến....
Chính trị Mỹ có hai khuynh hướng khác nhau khá rõ rệt: cấp tiến và bảo thủ. Nếu phải so sánh và giải thích cho kỹ thì cần phải viết nguyên cả cuốn sách cả ngàn trang. Trong phạm vi rất giới hạn của một bài viết ngắn, tác giả sẽ cố gắng tóm lược lại nhằm giúp độc giả hiểu rõ chính trị Mỹ hơn. Tuy nhiên phải nói ngay là bài viết sẽ có tính tổng quát, rất nhiều thiếu sót chi tiết, có thể tạo hiểu lầm.
Đại cương, tư tưởng chính trị hiện đại chia làm hai cánh, phải và trái, hay nói theo ngôn ngữ thông thường, hữu và tả. Cánh hữu là bảo thủ (conservative) và cánh tả là cấp tiến (liberal hay progressist). Dường như sự phân biệt này xuất phát từ quốc hội Anh cách đây cả trăm năm, khi mà các dân biểu của đảng bảo thủ ngồi bên tay mặt của hội trường trong quốc hội, và dân biểu cấp tiến ngồi bên trái.
Nhưng không phải là chỉ có hai cánh, phải và trái, hay hai màu xanh và đỏ. Giữa hai màu đó, có rất nhiều màu khác, từ đỏ xậm đến hồng nhạt, qua tới xanh nhạt rồi xanh đậm. Chẳng hạn phát xít là bảo thủ cực đoan và cộng sản là cấp tiến cực đoan, từ phát xít đến cộng sản, có không biết bao nhiêu khuynh hướng ở giữa. Ngày nay hai khuynh hướng cực đoan nhất, phát xít và cộng sản đã không còn nữa, tuy vài nước cộng sản vẫn còn tồn tại, nhưng dưới hình thức nhẹ hơn, gọi là xã hội chủ nghiã. Ngay cả trong xã hội chủ nghiã cũng có loại nặng tay theo mô thức Trung Cộng, và loại nhẹ nhàng hơn theo mô thức Bắc Âu.
Việt Nam ta bây giờ tự gọi là theo khuynh hướng “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghiã”, tức là “xanh với mục tiêu tối hậu là đỏ”. Nghe cho vui tai trong khi thật ra là theo chế độ “độc tài ôm ghế vét tiền bất kể chủ nghiã” vì trên thực tế, cộng sản không ra cộng sản, xã hội chủ nghĩa không ra xã hội chủ nghiã, kinh tế thị trường không ra kinh tế thị trường, tự do không ra tự do, dân chủ không ra dân chủ.
Trên căn bản, ở Mỹ, Cộng Hòa (CH) là đảng bảo thủ, Dân Chủ (DC) là đảng cấp tiến. Nhưng ngay trong hai đảng, cũng có nhiều màu. Cộng Hòa có xanh đậm như Ted Cruz của Texas và xanh nhạt như Chris Christie của New Jersey, trong khi Dân Chủ có đỏ xẫm như Bernie Sanders của Connecticut và hồng nhạt như Jim Webb của Virginia (là ông ứng viên tổng thống có vợ VN). Ngoài hai đảng chính, còn có các đảng hay nhóm khác, như bên bảo thủ có nhóm Tea Party, và đảng Libertarian, trong khi bên cấp tiến có nhóm Occupy Wall Street, và đảng Cộng Sản Mỹ (vâng, ở Mỹ cũng có đảng CS).
Ở đây ta cần lưu ý, xanh đỏ mô tả như trên là cách nhìn của người Việt, cũng là cách nhìn chung của thế giới vì đỏ tượng trưng cho cờ máu cộng sản, tức là phe cực tả. Ở Mỹ, ngược lại, màu đỏ tượng trưng cho phe thiên hữu CH, màu xanh cho phe thiên tả DC. Coi TV Mỹ, tiểu bang theo CH được tô màu đỏ, theo DC là màu xanh.
Nói một cách tổng quát, thì bảo thủ và cấp tiến khác nhau trên đủ mọi phương diện, từ kinh tế, xã hội, đến chính trị, quân sự. Bài này sẽ cố duyệt qua những khác biệt quan trọng và điển hình nhất, tuy không thể đi vào chi tiết. Đồng thời tác giả cũng sẽ kèm theo lời bình, phản ánh cái nhìn hoàn toàn chủ quan cá nhân, có khuynh hướng thiên về phe bảo thủ, và sẽ có nhiều người không đồng ý.
- Tổng quát: khối cấp tiến chủ trương quốc gia là một cộng đồng, mọi người có trách nhiệm liên đới lo cho nhau, nhưng vì ô hợp nên Nhà Nước có vai trò quan trọng là lãnh đạo, điều hành mọi việc, hay ít nhất là phối hợp. Trong khi phe bảo thủ chủ trương sáng kiến cá nhân mới là quan trọng nhất, Nhà Nước có vai trò giới hạn là bảo đảm an ninh trật tự, không cho tự do trở thành hỗn loạn, đồng thời ngăn cản những lạm dụng, bất công quá mức.
Lời bàn: Một Nhà Nước vú em, bao đồng, cho dù không gắt gao như dưới chế độ cộng sản, cũng sẽ đưa đến những khó khăn vĩ đại, vì lạm dụng hay vì sự bất tài của một thiểu số nắm quyền hay thực thi quyền lực trong guồng máy Nhà Nước, tức là các công chức. Ngược lại, tự do phóng khoáng quá mức sẽ đưa đến tình trạng cá lớn nuốt cá bé, người quyền thế áp bức kẻ thế cô.
- Vấn đề liên bang: phe cấp tiến chủ trương bành trướng quyền hạn của chính quyền liên bang, trong khi phe bảo thủ muốn giữ nhiều quyền cho các tiểu bang hơn. Tất nhiên có những vấn đề cả hai bên đều đồng ý phải do chính quyền liên bang phụ trách, chẳng hạn như an ninh, quốc phòng, ngoại giao, hay ngay cả kinh tế, tài chính cả nước.
Lời bàn: nước Mỹ là một liên bang của 50 tiểu bang, không phải là một nước thuần nhất, do đó, quyền tự trị của mỗi tiểu bang rất quan trọng. Ranh giới không rõ ràng và liên bang thường tìm cách lấn đất qua phạm vi tiểu bang. Chẳng hạn Obamacare đòi hỏi tất cả các tiểu bang phải mở rộng Medicaid (bảo hiểm y tế cho người nghèo), TCPV quyết định đây là chuyện của các tiểu bang, do đó có nhiều tiểu bang không mở rộng tiêu chuẩn Medicaid.
- Xã hội: Khối cấp tiến với mục tiêu “công bằng xã hội”, muốn Nhà Nước tích cực giúp đỡ những người thiếu may mắn như người nghèo, dân da màu thiểu số, trẻ em, phụ nữ, dân lao động. Bằng tiền lấy từ tăng thuế những người gọi là giàu có. Khối bảo thủ quan niệm trợ cấp cần thiết đến một mức nào đó, nhưng sau đó thì mỗi người phải có trách nhiệm cá nhân, phải tự lực cánh sinh, không có chuyện ngồi mát ăn bát vàng cả đời bằng mồ hôi người khác.
Lời bàn: Đảng DC là đảng cấp tiến luôn vỗ ngực tự xưng là đảng của dân nghèo, nhưng thực tế “coi dzậy chứ chưa chắc đã dzậy”, như cột báo này đã bàn qua trong bài viết “Dân Chủ: Đảng Của Dân Nghèo?” đăng ngày 4 Tháng 8 vừa qua.
- Kinh tế: Cấp tiến chủ trương Nhà Nước là đầu máy kinh tế, nhất là khi kinh tế gặp khó khăn. Nhà Nước giải quyết thất nghiệp chẳng hạn bằng cách tung ra những chương trình, công tác lớn như làm đường, xây đập nước để huy động nhân công cũng như để tung tiền ra thị trường, kích động kinh tế. Đi đến cực đoan là kinh tế cộng sản, Nhà Nước quốc hữu hoá hết và ra kế hoạch cho tất cả mọi hoạt động kinh tế cho tất cả mọi công dân. Bảo thủ chủ trương trông cậy vào sáng kiến cá nhân, để cho guồng máy kinh tế thị trường tự điều khiển và tự điều chỉnh qua quy luật cung cầu. Nhà Nước có vai trò cảnh sát bảo đảm mọi người tuân thủ luật chơi, không ai lạm dụng, không có cá lớn nuốt cá bé quá trắng trợn.
Lời bàn: Kinh tế Mỹ ngày nay hoàn toàn tùy thuộc vào hàng triệu công ty lớn nhỏ, hàng chục triệu doanh gia. Quá lớn đến mức không một nhóm công chức nào có thể điều hành gì, hay làm kế hoạch chung cho tất cả mọi người được. Kinh nghiệm thất bại của các nền kinh tế cộng sản rất rõ ràng. Ngay cả kinh tế “xã hội chủ nghiã” nhẹ nhàng hơn như tại Âu Châu cũng đã đưa đến cảnh sống dở chết dở tại Hy lạp, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, … Trong khủng hoảng kinh tế của những năm 2008-09, TT Obama cố bơm gần cả ngàn tỷ để kích động kinh tế. Cuối cùng thì chẳng có kết quả bao nhiêu. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn vất vưởng ở mức kỷ lục 8%-10% trong 5-6 năm. Chủ trương của khối cấp tiến, đánh thuế tối đa trên “nhà giàu” là những người có tiền đầu tư để phát triển kinh tế, chỉ đưa đến thui chột đầu tư, không mở thêm doanh nghiệp, không giúp thiên hạ có việc làm. Lập lại một hình ảnh đã được nhắc nhiều lần trên cột báo này, phe cấp tiến chủ trương chia cái bánh hiện có cho mọi người một cách đồng đều hơn, trong khi phe bảo thủ quan niệm cần làm cho cái bánh lớn ra hơn thì phần của mọi người đều lớn ra theo. Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp mọi người có việc làm, thay vì tăng thuế lấy tiền của nhà giàu nuôi người thất nghiệp.
- Tôn giáo, luân lý, gia đình: Phe cấp tiến chủ trương một chế độ phóng khoáng hơn. Dĩ nhiên tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người, nhưng muốn tách biệt tôn giáo ra xa khỏi chính trị, khỏi chính quyền. Họ chống lại những ảnh hưởng và biểu tượng tôn giáo trong đời sống chính trị, cũng chống lại luân lý đạo đức mà họ coi là cổ hủ, xuất phát từ tôn giáo. Khối bảo thủ coi trọng những giá trị luân lý, đạo đức, gia đình hơn. Đưa đến kết quả như phe cấp tiến chủ trương tự do phá thai, hôn nhân đồng tính, tha hồ thay đổi giới tính,… trong khi khối bảo thủ chống mạnh.
Lời bàn: Trên căn bản, khối cấp tiến trong vấn đề này lại coi trọng tự do cá nhân một cách tuyệt đối. Khuynh hướng phóng khoáng không có gì xấu, trái lại, giúp mọi người sống thoải mái, dễ thở, tự do hơn. Nhưng ngược lại, vì lý do “phải đạo chính trị” những tư tưởng phóng khoáng này đã đi quá xa, dẫn đến nhiều cảnh lố bịch, như tại một trường trung học ở Cali, một nữ học sinh đã kiện nhà trường kỳ thị giới tính khi không cho phép cô sử dụng nhà cầu dành cho nam học sinh.
- Di dân: Phe cấp tiến chủ trương ân xá hơn một chục triệu di dân bất hợp pháp, để giúp họ hưởng được đầy đủ quyền lợi an sinh, việc làm, và nhất là quyền đi bầu để họ bầu cho DC. Những người này tuyệt đại đa số là dân lao động nghèo, cần trợ cấp, nên tất nhiên có khuynh hướng bầu cho DC vì tin tưởng sẽ được trợ cấp. Phe bảo thủ chống lại vì nguyên tắc tôn trọng luật pháp. Không chấp nhận tội của họ được xí xoá dễ dàng vì sẽ khuyến khích cả triệu người khác tràn vào Mỹ. Bảo thủ chấp nhận ân xá, cho vào quốc tịch nhưng có điều kiện, và nhất là phải có biện pháp bảo vệ biên giới kỹ càng.
Lời bàn: Vấn đề được tranh cãi từ cả chục năm nay mà vẫn không có giải pháp gì. Các chính khách DC dẻo miệng hô hào ân xá, nhưng thực tế không dám làm gì, vì biết đại đa số dân Mỹ chống ân xá vô điều kiện. Đảng DC cũng khó ăn nói với khối cử tri da đen vì khối di dân là khối cạnh tranh công ăn việc làm trực tiếp với khối da đen. Ông tỷ phú Trump đang được hậu thuẫn mạnh chính vì chủ trương rất cứng rắn trong vấn đề di dân bất hợp pháp.
- Giáo dục: Phe cấp tiến bị ảnh hưởng nặng của nghiệp đoàn giáo chức, lo bảo vệ các giáo chức, trong khi khối bảo thủ lo cho vấn đề phẩm chất giáo dục hơn. TT bảo thủ Bush con đã hợp tác với nghị sĩ cấp tiến nặng Ted Kennedy, ra luật Không Bỏ Sót lại Trẻ Em Nào –No Child Left Behind-, đòi hỏi các trường tiểu và trung học phải có tiêu chuẩn về thành quả tối thiểu nếu muốn nhận yểm trợ tài chánh của liên bang. Nhưng luật này chẳng đi đến đâu vì nhiều trường học, nhiều tiểu bang từ chối áp dụng.
Lời bàn: Nền giáo dục Mỹ, ở cấp đại học là loại thượng đảng cho cả thế giới, nhưng ở cấp tiểu và trung học ngược lại, lại yếu nhất thế giới. Cải tổ sâu rộng là điều tối cần thiết nhưng bị chống đối mạnh từ hai phiá: từ các nghiệp đoàn cấp tiến lo bảo vệ thầy cô, kể cả những thầy dạy dở, và từ các tiểu bang bảo thủ lo bảo vệ quyền tự trị của tiểu bang (lý do thứ hai hiện là lý do cựu thống đốc Florida Jeb Bush đang bị khối bảo thủ trong CH chống đối mạnh nhất).
- Môi sinh: Phe cấp tiến coi nặng vấn đề bảo vệ môi sinh, nhất là hâm nóng địa cầu. Những nhu cầu này phần lớn có ảnh hưởng bất lợi cho nhu cầu kinh doanh, phát triển kinh tế, do đó thường bị giới doanh gia bảo thủ chống đối, nhất là các đại công ty trong kỹ nghệ hoá chất, dược phẩm.
Lời bàn: Bảo vệ môi sinh là vấn đề tất yếu, một nhu cầu thực sự không ai chối cãi được, cho dù nhiều công ty vì nhu cầu kiếm lời đã bất chấp ảnh hưởng tai hại của họ. Ở đây phải nói cho rõ, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường, Environment Protection Agency hay EPA, là cơ quan do một tổng thống CH bảo thủ thành lập, đó là TT Nixon. Chuyện hâm nóng điạ cầu thì rắc rối hơn vì còn đang trong vòng tranh cãi giữa các nhà khoa học. Dĩ nhiên những nhà khoa học có khuynh hướng cấp tiến khẳng định trái đất sẽ bị ảnh hưởng rất tai hại trong vòng vài chục năm tới, trong khi các khoa học gia bảo thủ nghi ngờ chuyện này.
- Chính sách đối ngoại: Phe cấp tiến có tư tưởng “nhân bản”, “cứu nhân độ thế” mạnh hơn nên hay can thiệp vào chuyện các nước khác, với mục đích phát huy nhân quyền, dân quyền. Phe bảo thủ có khynh hướng cô lập, lo chuyện mình trước khi lo chuyện thiên hạ.
Lời bàn: tổng thống có khuynh hướng can thiệp, đòi hỏi nhân quyền mạnh nhất là TT Carter, mà nhiều người coi như là một ông “cố đạo”, trong thời điểm kinh tế Mỹ bết bát nhất, khiến ông thành tổng thống một nhiệm kỳ. Tính bao đồng chuyện thiên hạ trên căn bản thì tốt, trên thực tế, vẫn mang tính vú em. Trong khi nước Mỹ còn cả triệu vấn đề chưa giải quyết nổi làm sao lo chuyện thiên hạ. Một ví dụ khá khôi hài: nước Mỹ chuyên đòi hỏi bầu cử thực sự tự do, dân chủ cho cả thế giới, nhưng vụ bầu bán Bush-Gore năm 2000 đã trở thành trò cười cho cả thế giới. Hay vụ Libya, mấy bà cấp tiến trong chính quyền Obama áp lực tổng thống can thiệp lật đổ Khaddafi để “cứu” vài trăm dân nổi loạn đang bị xe tăng Khaddafi đe dọa. Kết quả, Libya bây giờ thành bãi chiến trường, cả nửa tá phe nhóm đánh giết nhau túi bụi, hàng chục ngàn dân trốn chạy qua Âu Châu, trong khi cả thế giới ngơ ngác không biết phải làm gì.
- An ninh, quốc phòng: Trong khi phe cấp tiến thích can dự vào chuyện thiên hạ nhất thì họ cũng lại là những người “chủ hoà” nhất, được coi như là yếu đuối trong các vấn đề an ninh, quốc phòng nhất. Và khối bảo thủ thì có quan niệm Mỹ cần phải mạnh tay hơn với các đối thủ.
Lời bàn: Thái độ “chủ hoà” thường đưa đến hình ảnh “cọp giấy”. Kết quả thông thường trái ngược hoàn toàn ý định chủ hòa. Vì đưa ra một hình ảnh yếu đuối, nên các địch thủ coi thường, hay đánh giá sai lầm ý chí của Mỹ, đưa đến tình trạng… chiến tranh. Lịch sử cận đại cho thấy tất cả các cuộc chiến lớn của Mỹ đều xẩy ra dưới thời các tổng thống Dân Chủ: Woodrow Wilson với Thế Chiến Thứ Nhất, Franklin Roosevelt với Thế Chiến Thứ Hai, Harry Truman với chiến tranh Cao Ly, John Kennedy và Lyndon Johnson với chiến tranh VN, Bill Clinton với Al Qaeda (bắt đầu đánh Mỹ từ năm 1993, vụ 9/11 được chuẩn bị từ 1999 dưới thời Clinton), Barack Obama với ISIS (xuất hiện năm 2013).
Việt Nam: Cả hai khối bảo thủ và cấp tiến đều chủ trương cải tiến quan hệ với CSVN, tuy khối cấp tiến muốn đi nhanh, đi mạnh hơn.
Lời bàn: Khối cấp tiến muốn thân thiện vì trước hết, “hy vọng” ngây ngô là sẽ kéo CSVN về phiá Mỹ, giúp VN có dân chủ, tự do hơn, và sau đó vì mặc cảm tội lỗi, đã gây ra chiến tranh tàn phá VN, bây giờ muốn chuộc lỗi. Phe bảo thủ muốn thân thiện hơn vì lý do kinh doanh, mậu dịch.
Nếu muốn phê phán bên nào đúng bên nào sai, thì phải nói ngay cả hai bên, khi đi vào cực đoan, đều sai hết, nhưng nếu đứng trung dung đâu đó trong khoảng giữa thì đều có điểm tốt hết. Nghe có vẻ “ba phải” nhưng thực tế là vậy. Đáp số luôn luôn nằm đâu đó trong khoảng giữa. Chẳng những tùy theo hoàn cảnh cá biệt của mỗi nước, mà còn tùy theo thời điểm. Tất cả tùy nhu cầu thực tế. Nhu cầu của một nước VN chậm tiến, nghèo yếu, khác xa với nhu cầu của một nước Mỹ giàu mạnh, cũng khác luôn cả với nhu cầu của một nước Kenya cũng chậm tiến, cũng nghèo yếu. Nôm na ra, không bao giờ có một giải pháp bảo thủ hay cấp tiến tuyệt hảo có thể áp dụng cho tất cả mọi nước, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm.
Nguyên tắc này cũng áp dụng cho mỗi cá nhân luôn, tùy quan điểm, tùy hoàn cảnh, mỗi người đều có nhu cầu khác nhau, khuynh hướng chính trị khác nhau, không ai đúng không ai sai.
Dân tỵ nạn tại Mỹ, đại đa số thuộc thành phần lợi tức thấp, cần trợ cấp, cần Nhà Nước giúp đỡ, nên có khuynh hướng ủng hộ cấp tiến và đảng DC, nhưng cũng có một số lớn không chấp nhận DC vì vấn đề chiến tranh VN và vì chính sách hơi quá thân thiện với CSVN.
Nếu nhìn vào tất cả các chi tiết của mọi vấn đề, sẽ thấy có điểm ta đồng ý với phe cấp tiến, có điểm khác ta hợp với khối bảo thủ. Do đó, khó nói có ai đồng ý 100% với bảo thủ hay 100% với cấp tiến. (23-08-15)Vũ Linh
Đồng Tiền Trong Chính Trị Mỹ
Bây
giờ bà Hillary dự trù cần... hai tỷ đô để làm Tổng thống...
Báo
chí thời gian qua làm rùm beng về xì-căng-đan hai ông bà Clinton vơ vét tiền đủ
kiểu, đặc biệt là qua những vụ mà Việt Nam hiện nay gọi là “chặt chém” trong
thù lao đọc diễn văn, và “quyên góp” cho quỹ “từ thiện” Clinton Foundation. Đi
đọc diễn văn cho mấy đứa trẻ con trong hướng đạo cũng “hai trăm rưởi, chắc giá,
không bớt một xu”. Nhiều người thắc mắc, ngao ngán, sao lại có người tham lam
quá mức như vậy. Cả triệu rồi vẫn chưa đủ, vẫn than “nghèo”, “gần phá sản” là
sao? Trong khi đó thì đi đâu cũng vỗ ngực tranh đấu sống chết cho “lao động”
Mỹ.
Thật ra, nói hai ông bà Clinton ham tiền thì hơi quá đáng vì không chính xác
lắm. Hai ông bà đều là nhân vật quyền thế, uy danh hàng đầu, không có nhu cầu
tiền bạc nhiều lắm đâu. Suốt ngày được mời mọc yến tiệc, đi tàu bay chùa mà lại
là phản lực riêng chứ không phải mua vé rồi ra phi trường ngồi chờ hai ba tiếng
đồng hồ như thiên hạ đâu. Đi đâu cũng xe đưa xe đón, khách sạn đài thọ đầy đủ,
phục vụ chu đáo hết rồi. Cô con gái cũng lớn rồi, đi đọc diễn văn lai rai cũng
lãnh 70.000 đô một bài rồi, cho dù chẳng ai nghe cô nói gì, chỉ cần mượn cái
tên “Clinton” thôi.
Thế thì tại sao lại cắm đầu kiếm tiền làm gì? Xin thưa ngay: đó là để có tiền mua cái ghế trong Nhà Trắng. Vâng thật sự là vậy: không có tiền không thể nào đắc cử tổng thống trong cái xứ gọi là “dân chủ” này được.
Chế độ chính trị Mỹ mang tiếng là chế độ “dân chủ” nhất thế giới. Tất cả mọi công dân trên nguyên tắc đều có thể ra tranh cử tổng thống, và tất cả cử tri trên nguyên tắc cũng có thể bầu bất cứ người nào mình muốn làm tổng thống. Thực tế, chỉ là nói nghe cho vui thôi chứ chẳng bao giờ có chuyện lý tưởng vớ vẩn như vậy.
Cách đây không lâu, thời mấy ông Clinton và Bush tranh cử thì mọi việc đều tương đối khá sòng phẳng. Các ứng viên tổng thống đều ra tranh cử trong giới hạn tiền tranh cử do Nhà Nước chu cấp và cử tri đóng góp trong giới hạn nào đó, tương đối bằng nhau, trong những mức phải chăng.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1992 (là năm TĐ Clinton hạ đương kim TT Bush cha), hai chính đảng thu và chi xấp xỉ ngang ngửa nhau, khoản 50 triệu mỗi bên. Đến năm 2000, là năm TĐ Bush –con- hạ PTT Gore, hai bên thu chi trên dưới 200 triệu. Cả hai bên đều nhận trợ cấp không nhiều lắm của Nhà Nước, bằng nhau, cộng thêm một phần tiền do các mạnh thường quân ủng hộ cho đảng gọi là “tiền mềm”, soft money, chứ không phải cho cá nhân hai ứng viên,.
Nhưng đến năm 2008 thì cái đê ngăn nước bị TNS Barack Obama phá vỡ, cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc biến thành cuộc đấu thầu xem ai thu được nhiều nhất rồi chịu chi nhiều nhất. Giải thưởng là Nhà Trắng, bất kể kinh nghiệm, tài cáng, hay mánh mung gì.
Khi TNS Obama mới xuất hiện, chưa ai biết đến thì việc gây quỹ khó khăn, trong khi đối thủ là bà Hillary lại là cái giếng không đáy, nơi mà các đại gia đảng Dân Chủ đổ tiền vào. Ông Obama lên mặt đạo đức, sỉ vả bà Hillary lấy tiền đè người, mua chức tổng thống, kêu gọi bà ngưng gây quỹ cá nhân mà lấy tiền trợ cấp tranh cử của Nhà Nước cho công bằng. Lời kêu gọi của ông dĩ nhiên bà Hillary coi như không nghe thấy gì.
Thế rồi, nhờ tài ăn nói, nhờ đám phụ tá giỏi, và nhất là nhờ hậu thuẫn của khối thanh niên và trí “ngủ” sống trong mộng tưởng ngây ngô, ông nổi lên như niềm hy vọng của Mỹ. Khối này hậu thuẫn từ trí tuệ -khả năng tổ chức, tuyên truyền, vận động,...- cho đến tài chánh. Tiếng tăm nổi lên như cồn, cùng lúc với tiền vào như nước, giúp ông hạ được bà Hillary và ra tranh cử chống ứng viên Cộng Hoà, TNS John McCain.
Bây giờ thì ông McCain dùng gậy ông đập lưng ông, thách thức TNS Obama giữ lời hứa, không dùng tiền mua Nhà Trắng, chấp nhận tiền của Nhà Nước, đâu 80 triệu cho mỗi ứng viên. Để rồi bây giờ đến phiên TNS Obama dùng chiêu “võ điếc” không nghe thấy gì, nhắm mắt nhắm mũi đi gây quỹ. Ông McCain đành cố gắng lẹt đẹt chạy theo.
Kết quả, TNS Obama thu được 730 triệu và TNS McCain thu được 330 triệu. Tổng cộng cả hai bên là hơn một tỷ đô trong khi trong cuộc bầu cử giữa TT Bush cha và TĐ Clinton, tổng cộng chỉ hơn 100 triệu. Số tiền TNS Obama thu được là con số kỷ lục chưa từng thấy, lớn gần gấp mười lần số tiền Nhà Nước chuẩn bị cho mỗi ứng viên. Ở đâu ra số tiền đó? TNS Obama khoe hàng trăm ngàn người dân “thấp cổ bé họng” đã yểm trợ bạc cắc cho ông. Thực tế, các tài liệu về tiền yểm trợ cho thấy tuyệt đại đa số tiền ông thu được là do hai nguồn yểm trợ: các nghiệp đoàn bắt ép đoàn viên phải đóng tiền yểm trợ cho các “tổ chức hành động chính trị” - Political Action Committees hay PAC - và các đại gia Wall Street với những đại tài phiệt như George Soros, Bill Gates,… Bill Gates cũng là người tài trợ cho đài MSNBC (là sự hợp tác giữa MicroSoft -MS- và NBC), là đài TV phe ta hung hăng nhất.
TNS Obama quên bẵng những lời sỉ vả “lấy tiền đè người”, “mua chức tổng thống”, “công bằng”,… mà ông đã thân tặng bà Hillary. Chuyện quân tử Tàu, giữ lời hứa, là chuyện các chính khách Mỹ, đặc biệt là TNS Obama, chưa bao giờ nghe nói tới, khỏi thắc mắc. Nói như “tonton Thiệu”, đừng nghe những gì Obama nói...
Và rồi như ta đã biết ông đã mua được cái ghế trong Nhà Trắng thật.
Câu chuyện TNS Obama dùng tiền áp đảo đối phương để vào Nhà Trắng đã đi vào lịch sử Mỹ, như là biến cố thay đổi hẳn cấu trúc và phương thức tranh cử chính trị Mỹ: đồng tiền biến thành yếu tố chi phối kết quả bầu cử. Bốn năm sau, TT Obama chi 1 tỷ để tranh cử chống TĐ Mitt Romney. Bây giờ bà Hillary dự trù sẽ cần... 2 tỷ để vào Nhà Trắng.
Năm nay, bên Cộng Hòa chưa chi đã có tới 18 ứng viên ra chạy đua vào Nhà Trắng.
Điểm nổi bật đáng nói hiện nay là ứng viên hàng đầu, với tỷ lệ hậu thuẫn nhất
nhì, là tỷ phú Donald Trump. Ít người coi ông này như là một ứng viên nghiêm
chỉnh, với nhiều hy vọng đắc cử làm đại diện cho đảng Cộng Hòa, khoan nói tới
đắc cử tổng thống. Ấy vậy mà ông leo lên hàng đầu. Ông tranh cử bằng tiền túi
của mình, rầm rộ khoe có gia tài gần mười tỷ, dư sức lấy tiền đè tất cả các ứng
viên khác.
Thậm chí, có tiền cũng chẳng cần phải thắng ở cấp sơ bộ luôn. Như ông tỷ phú
Ross Perot, bỏ tiền túi ra tranh cử trực tiếp chống TT Bush cha và TĐ Clinton
năm 1992. Cũng thu được đâu 20% phiếu, phần lớn là từ khối bảo thủ của TT Bush,
khiến ông này bị chia phiếu, và TĐ Clinton ngáp phải ruồi, vào được Tòa Bạch
Ốc.
Dĩ nhiên, ta cũng phải hiểu là đồng tiền còn chi phối tất cả mọi cuộc tranh cử khác, chứ chẳng riêng gì tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, ở những cấp dân biểu, nghị sĩ, hay cấp tiểu bang thì tương đối không lên đến những mức kinh hồn như tranh cử tổng thống.
Tại sao ngày nay tranh cử lại tốn quá nhiều tiền như vậy? Họ cần tiền cho ba mục tiêu chính:
- Sản xuất phim quảng cáo và mua thời gian quảng cáo trên TV và đài phát thanh;
- Mở văn phòng tranh cử tại càng nhiều tỉnh, quận hạt càng tốt, đặc biệt là trong khoảng một tá tiểu bang xôi đậu;
- Thuê các cố vấn vận động tranh cử, các chuyên gia điện toán và internet, marketing, thăm dò dư luận,...
Một điều quan trọng không kém là việc đồng tiền cũng chi phối các luật lệ mà các vị dân cử đưa ra hay không đưa ra.
Chính trị Mỹ có một hiện tượng có một không hai trên thế giới: đó là các chuyên gia của các nhóm vận động hành lang - lobby groups. Tại quốc hội, có cả ngàn chuyên gia kiểu này, đại diện cho đủ mọi ngành nghề, đủ mọi quyền lợi, đủ mọi địa phương, luôn cả đủ loại người như người già, nữ giới, đồng tính, da đen, da nâu, da vàng, di dân lậu, cựu quân nhân, công giáo, tin lành, v.v... Không thiếu một thứ nào hết.
Và ảnh hưởng của họ cực kỳ mạnh. Trên căn bản, họ có trách nhiệm theo dõi kỹ từng bộ luật được đưa ra, nghiên cứu xem khối quyền lợi của họ có bị đụng chạm hay không. Ngược lại, họ cũng có trách nhiệm xúi các vị dân cử đưa ra những luật mới có lợi cho quyền lợi của nhóm của họ. Giúp cho các vị dân cử có những lập luận, tài liệu, dữ kiện để ủng hộ hay chống một dự luật nào đó.
Đó là nói chuyện lý thuyết. Thực tế là họ dùng đồng tiền để khuynh đảo các vị dân cử. Đút lót cho họ tiền vận động tranh cử, là thứ tiền mà không có ông bà chính khách nào không cần. Làm theo ý họ thì có nhiều tiền, không làm theo ý họ là không có tiền tranh cử. Mà tiền nhiều thì hy vọng thắng nhiều, tiền ít thì hy vọng về quê câu cá rất cao.
Nhiều khi tiền mặt được trao trực tiếp. Như trường hợp một ông dân biểu của tiểu bang Louisiana bị FBI bắt với 50.000 đô tiền mặt giấu trong tủ lạnh trong văn phòng của ông. Khiến dân tỵ nạn ta bất ngờ có được một ông dân biểu tỵ nạn tại Hạ Viện, đại diện cho một khu vực mà đại đa số là dân da đen.
Lương các vị dân cử chỉ trên 150.000 một năm thôi, nhưng thực tế tất cả các vị dân cử, dân biểu hay thượng nghị sĩ, sau vài năm đều trở thành triệu phú hết.
Dân biểu Cộng Hoà Dennis Hastert, cựu Chủ Tịch Hạ Viện, mới đây bị truy tố ra tòa vì đút lót 3,5 triệu đô cho một người tống tiến ông ta, dọa khui tội lem nhem tình dục của ông cách đây mấy thập niên. Với mức lương trên dưới một trăm ngàn một năm, làm sao có được bạc triệu dễ dàng như vậy?
Cũng có khi đút lót bằng quà cáp, bao máy bay đi du lịch thế giới, hay đi tranh cử, bao đi đánh gôn, yến tiệc dài dài, mời đọc diễn văn với thù lao trên trời. Hay tặng tiền cho “quỹ từ thiện” của họ.
Ảnh hưởng của các nhóm vận động hành lang này không phải là không đáng kể.
Một ví dụ cụ thể nhất là vấn đề kiểm soát súng. Trong thời gian mấy năm gần đây, đã xẩy ra hàng loạt những vụ mấy anh khùng vác súng đi bắn thiên hạ. Mỗi lần xẩy ra chuyện này thì dư luận quần chúng lại ào ào nổi lên đòi ra luật kiểm soát súng đạn. Ngay cả TT Obama, mỗi lần có chuyện, cũng mau mắn chụp cơ hội lên tiếng kêu gọi ra luật kiểm soát súng đạn. Nhưng rồi cho đến nay, sau cả chục vụ, thì ta vẫn thấy tình trạng “vũ như cẩn”, chẳng có luật gì ra được hết. Các vị dân cử lên tiếng than phiền là “khó lắm”, vì đại đa số dân Mỹ vẫn rất mê súng đạn, không có cách nào lay chuyển ý thích này được.
Thực tế, vấn đề không phải là cử tri họ không cho họ ra luật kiểm soát súng đạn, mà chẳng qua, họ đã lỡ chìa tay nhận quá nhiều tiền của tổ chức NRA, tức là National Rifle Association, là hiệp hội những người sở hữu súng. Đây là một tổ chức cực mạnh về tài chánh, mỗi năm bỏ ra cả chục triệu tiền “lobby” mấy ông bà dân cử thuộc cả hai đảng. Chúng ta không có thống kê chính xác vì tất cả đều thuộc loại tin “bí mật”, không ai biết được chi tiết rõ ràng, nhưng có thể nói cỡ hai phần ba các vị dân biểu và nghị sĩ Cộng Hoà cũng như Dân Chủ, đều đã nhận được tiền yểm trợ của NRA. Do đó, há miệng mắc quai, họ không cho ra nổi bất cứ một luật nào nhằm kiểm soát sở hữu súng đạn được.
Thực tế trong chính trị Mỹ là các nhóm vận động hành lang phải “cho phép” thì một dự luật mới thành luật được.
Điển hình lớn nữa là Obamacare. Một bộ luật vĩ đại, với những hậu quả tài chánh khổng lồ cho các đại công ty trong ngành y tế như các công ty quản lý bệnh viện, các hãng bảo hiểm y tế, các công ty dược phẩm lớn, chưa kể các phòng mạch của các bác sĩ tư.
Năm 1992, bà Hillary thất bại hoàn toàn, không đưa ra nổi một dự luật để thảo luận trước quốc hội vì bị chống đối mạnh ngay từ trong nội bộ đảng Dân Chủ, cũng như từ các hiệp hội y sĩ, các nhà thương, hãng bảo hiểm, công ty thuốc, qua các nhóm vận động hành lang của họ.
Năm 2009, Obamacare ra đời được một phần là do đảng Dân Chủ kiểm soát được cả Toà Bạch Ốc lẫn hai viện quốc hội. Nhưng quan trọng hơn nữa là Obamacare đã không bị các nhóm vận động hành lang đại diện cho các đại công ty ngành y tế chống đối. Tại sao? Lý do giản dị là Obamacare khác với Hllarycare, thực sự rất có lợi cho các đại công ty ngành y tế, do đó, được họ chấp nhận.
TT Obama khi rao bán Obamacare đã long trọng hứa hẹn chi phí y tế, từ bảo hiểm cho đến nhà thương, bác sĩ, thuốc men, sẽ giảm đồng loạt cho tất cả mọi người. Lập luận của ông rất giản dị: Obamacare sẽ giúp khoảng ba chục triệu người có bảo hiểm y tế, tức là giúp cho ngành y tế có thêm ba chục triệu khách hàng. Do con số khách hàng gia tăng như vậy, nên giá cả sẽ giảm mạnh.
Cái lập luận này nghe xuôi tai, nhưng thực tế không phải vậy. Trong trường hợp khách hàng gia tăng mạnh như vậy, giá cả có thể giảm, nhưng với điều kiện là ngành y tế dư thừa bác sĩ, dư thừa nhà thương, dư thừa thuốc men. Thực tế trong xứ Mỹ này không có tình trạng dư thừa đó, cho nên khi khách hàng tăng cả chục triệu người một sớm một chiều, thì sẽ xẩy ra tình trạng khan hiếm bác sĩ, nhà thương, và thuốc men. Và kết quả hiển nhiên là giá cả y tế sẽ phải tăng. Luật cung cầu sơ đẳng. Khi cung vẫn vậy mà cầu tăng vọt thì giá cả bắt buộc phải tăng thôi. Kinh tế thị trường không có đuôi định hướng gì hết là vậy.
Làm con tính sơ đẳng đó, các đại công ty ngành y tế thấy rõ hai chuyện: thứ nhất khách hàng sẽ tăng mạnh, thứ nhì giá cả cũng sẽ tăng mạnh luôn. Và họ được lời to. Do đó, họ không chống phá Obamacare, các chuyên gia vận động hành lang chẳng những không ngăn cản, mà trái lại còn ra sức giúp cho Obamacare được thông qua, giúp cho Obamacare trở thành luật.
Muốn thấy bằng chứng là Obamacare có lợi cho các đại công ty ngành y thì chỉ cần nhìn vào thị trường chứng khoán Dow Jones, nhân ngày Tối Cao Pháp Viện biểu quyết không giết Obamacare mới đây, hạ tuần tháng Sáu vừa qua. Ngay sau quyết định, giá cổ phiếu các công ty ngành y, nhất là các công ty quản lý bệnh viện, nhẩy vọt lên từ 10% đến 20% trong vài tiếng đồng hồ, tuy đến cuối ngày thì giảm lại xuống mức vừa phải hơn khoảng từ 5% đến 10%. Những người đầu tư vào ngành y thấy rõ duy trì Obamacare sẽ giúp các công ty này có lời nhiều hơn trong tương lai, và đó là nơi họ có thể đầu tư lâu dài. Thiên hạ xúm vào mua cổ phiếu của các đại công ty đó, đưa đến mức giá tăng vọt.
Nhìn vào câu chuyện Obamacare ta mới thấy cái tài của phù thủy Obama: ra một luật có lợi lớn cho các đại tài phiệt ngành y, nhưng giấu nhẹm khía cạnh này nên ít ai nhìn thấy, trong khi quảng bá mạnh khía cạnh “nhân đạo” giúp cho nhiều người có bảo hiểm sức khoẻ hơn, nên được thiên hạ vỗ tay hoan hô kịch liệt. Một phần cũng nhờ những lươn lẹo, lắt léo, dối trá mà GS Gruber, một trong những người vẽ ra Obamacare, đã tiết lộ.
Bà Hillary, một chính khách lão làng về tuổi tác lẫn kinh nghiệm chính trường Mỹ, đã nhìn thấy hơn ai hết sức mạnh của đồng tiền trong chính trị, do đó đã hùng hục lo kiếm tiền từ gần cả chục năm nay. Cả hai ông bà kiếm tiền cho riêng mình, nhưng cũng kiếm tiền rất nhiều, hơn hai tỷ, cho quỹ từ thiện Clinton Foundation. Nếu có người nào nghĩ đây chỉ là quỹ tư thiện thuần túy thì người đó phải là ngây ngô nhất nhân loại. Mấy ông độc tài giết người không chớp mắt không có dư thừa lòng nhân đạo để tặng quỹ từ thiện bạc triệu chống bệnh AIDS. Với tư cách tổng thống, sao họ không bỏ tiền ra cho ông bộ trưởng y tế của họ làm việc này tại nước của họ, mà lại phải đưa tiền cho bà Hillary? Họ nhìn thấy rất rõ cái bà chủ nhân quỹ đó có rất nhiều triển vọng làm tổng thống Mỹ. Đấm mõm ngay từ cả mấy năm trước cho chắc ăn mai mốt sẽ có “đồng minh” trong Nhà Trắng. Mặt khác, bà Hillary cũng hiểu rất rõ phân phát tiền bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất để lấy cảm tình và cuối cùng là lấy phiếu thôi.
Và cho đến nay, chưa ai kiếm tiền và phát tiền mạnh bằng bà, và cũng chưa ai có
hy vọng ngăn chặn được bà vào Toà Bạch Ốc. Ít nhất là cho đến nay.
Ai dám nói chính trị Mỹ không bị đồng tiền chi phối?
Vũ
Linh - Việt Báo